Học thi luôn là vấn đề lớn nhất của các em học sinh, sinh viên. Thế nhưng, học mà không có phương pháp khoa học chẳng những ảnh hưởng đến sức khỏe mà thành tích đạt được cũng không như ý muốn.


Học kỳ 1 hay học kỳ 2, thi cuối khóa,... dĩ nhiên là nếu kết quả không đạt thì các em có nguy cơ bị lưu ban, lại phải học lại! Trước khi vào đời thật sự, đây là lúc kết quả những kỳ thi có thể ảnh hưởng đến tương lai của các em.


Do đó, không phải chỉ có gia đình mà ngay chính bản thân các em cũng muốn biết:


• Phương pháp học thi sao cho đậu?


• Điều kiện nào trong nếp sống thuận lợi nhất cho việc học?


• Ngủ, sinh hoạt, ăn uống ra sao?


• Uống trà đậm, cà phê để thức khuya


Đi thi, ai chẳng muốn đậu (không phải theo kiểu buông xuôi "học tài thi phận" hoặc ra tiệm photocopy để chuẩn bị "tài liệu"; mà là do nắm được phương pháp học có khoa học để không những tiếp thu hết chương trình các môn học, còn phải biết cách trình bày trên giấy có hiệu quả.


Quy luật của bộ não

Vậy quy luật nào điều khiển bộ óc, ghi đậm nét vào trí nhớ của học sinh?


Học có phương pháp bao giờ cũng nhằm phối hợp những thông tin do các giác quan thu thập được đưa tới não - đứng đầu là những điều mắt thấy, tai nghe: các phương pháp dạy tốt cũng như học tốt chủ yếu là tận dụng khả năng nghe, nhìn vì "một trăm lần nghe không bằng một lần thấy". Vừa nghe, vừa thấy chắc chắn là nhớ lâu hơn! Cứ so sánh radio với tivi (dĩ nhiên có kèm âm thanh) thì rõ. Tuy nhiên, cái chính cũng vẫn là sự chú tâm, chú ý theo dõi!


Học sinh luyện thi cách tốt nhất là chăm chú nghe thầy giảng bài trong lớp - dù chỉ với tấm bảng và viên phấn: Hiểu rõ nội dung thì mới mau thuộc. Không hiểu thì hãy mạnh dạn hỏi lại thầy hay bạn (học hỏi). Chưa ngấm thì nên làm một vài bài tập thực hành ngay (học hành). Các con số sau đây giúp các em suy nghĩ thêm về phương pháp học nào tốt:



PHƯƠNG PHÁP
MỨC ĐỘ NHỚ

Nói, giảng bài
10%

Nói, kết hợp với phương tiện nghe nhìn
50%

Thực hành, thực tập = học hành
90%

Tự phát hiện, tự học hỏi = tự học
100%




Nói tóm lại, thầy cô dạy hay đến đâu, chủ động học vẫn cứ là các em thôi.


Học khi nào?

Trong một ngày, thời gian nào là tốt nhất cho việc học?


Nhà bác học Nga Ivan Pavlov, cha đẻ ra thuyết các phản xạ có điều kiện, trong hồi ký của mình đã có lời nhắn nhủ các em học sinh nên học những bài khó vào buổi sáng. Nhiều nhà khoa học tiếng tăm khác cũng có những nhận xét tương tự: họ nhận thấy là khả năng lao động trí óc của con người tăng dần từ sáng sớm tới gần trưa, sau đó giảm dần - sau bữa ăn trưa nên có ngủ trưa chút ít từ 20-30 phút cũng được.


Theo các công trình nghiên cứu mấy năm gần đây tại Pháp về thời gian sinh học (chronobiologie) thì hiệu suất học buổi trưa còn cao hơn buổi sáng, đặc biệt đối với những môn học khó. Buổi chiều có hơi giảm vào giờ ăn tối. Sau đó, dường như có một chu kỳ mới và khả năng trí óc lại tăng dần cho tới khoảng 21 giờ, sau đó lại giảm.


Riêng các em đang học thi, muốn lợi dụng khoảng thời gian sau bữa tối này thì có lẽ nên xa lánh màn ảnh nhỏ, để chú tâm vào trang sách trên bàn, cần có đủ ánh sáng, trong vùng yên tĩnh tương đối ở một góc phòng.


Không nên thức sau 22 giờ - vì đầu óc sau một ngày làm việc dường như đã bão hòa, không còn tiếp thu thêm được nữa. Lúc rời bàn học, các em có thể lật qua, lướt mau những dòng đầu của các bài đã ôn từ đầu để xác định mình đã học được tới đâu. Làm như vậy cũng tựa như mình gởi tất cả vào tiềm thức bộ nhớ trước khi đưa não vào giấc ngủ.


Đảm bảo sức khỏe khi ôn thi

• Không nên học ngay sau bữa ăn.


• Trong một buổi học, tránh học liên tục 3-4 giờ liền. Cũng giống như ở lớp, sau 45 phút - 1 giờ cần có giải lao (giờ ra chơi). Những phút giải lao này có mục đích làm thư giãn thần kinh, trí óc; giãn nhưng đừng chùng hẳn xuống, có khi ngủ luôn đấy! Nên đi đi, lại lại, giải trí bằng trò chơi nhẹ nhàng, vui vẻ như đánh cầu lông, đánh bóng bàn, làm một vài động tác thể dục,... tránh vận động nhiều và mạnh lúc này cũng không đáp ứng yêu cầu.


• Một vài em có khả năng "giải lao" trong khi học môn này bằng cách chuyển sang qua một môn khác, điều đó cũng tốt thôi, nhưng không phải em nào cũng làm được như vậy. Nói chung, khi đã học thì phải hoàn toàn chú tâm vào việc học.


• Ngủ cho ra ngủ, khoảng 8 tiếng một ngày, nhiều nhất là về đêm, để cho ấn tượng ngày hôm trước dịu nhạt, những ấn tượng ngày mới chưa hình thành, sáng sớm tỉnh dậy có một bộ óc "mới tinh", có khả năng hoạt động tốt nhất. Vả lại, có ngủ được say thì trong giấc ngủ vào giai đoạn có giấc mơ, cũng là lúc mà các kích thích tố tăng trưởng được tiết ra giúp các em mau lớn thêm nữa. Cộng thêm vào khoảng nửa giờ ngủ trưa như vậy sẽ tránh được cảnh thiếu ngủ - ngủ gật trong lớp - rất là phiền phức nếu thầy cô, các bạn phát hiện được !


Vấn đề ăn uống cũng rất quan trọng vì chỉ còn giai đoạn này (tuổi dậy thì) để đạt tới chiều cao và phần nào cân nặng của người trưởng thành. Cần phải ăn nhiều hơn người lớn, cả về lượng lẫn về chất. Không bỏ qua bữa nào, nhất là bữa điểm tâm, vì bữa chiều hôm trước cách xa tới khoảng 10 tiếng, nếu nhịn ăn thì vào lớp không ngáp cũng ngủ gật, đôi khi mệt quá sẽ bị xỉu! Nói chung, con gái cần đạt 2500 calo (người nữ lớn chỉ cần 2000), con trai 2900 calo (người nam trưởng thành cần khoảng 2600).


BS. Nguyễn Lân Đính


XtGem Forum catalog